NGẬM NGÙI THỜI KHẮC GIAO MÙA SANG ĐÔNG

Lượt xem:


Tiếng thu! ( Khóa Son )Phuc Huong Giang
NGẬM NGÙI THỜI KHẮC GIAO MÙA SANG ĐÔNG
Bần thần nhìn ánh nắng rơi!
Tiếng thu xao động chơi vơi gọi thầm.
Hoàng hôn tím đủ duyên nồng.
Ray chiều chiếu tỏa tơ lòng vấn vương!
Thu đi thương mấy là thương!
Có còn nhớ chút nắng hường heo may?
Có còn nhớ hạt mưa bay
Liêu xiêu mái ngói rêu bày thời gian!
Có còn nhớ cả không gian
Nồng nàn hoa sữa mênh mang đông về!
Phuc Huong Giang
25/10/2017
______
Lời Bình: Đăng An
Nỗi niềm ngậm ngùi xốn xang của thời khắc chuyển giao luôn là thi liệu cho những tâm hồn nhạy cảm thường trực trong trái tim yêu thương. Bài thơ: “Tiếng thu! (Khóa Son)” của Phuc Huong Giang là một ví dụ.
Khi phải đối mặt với thực tại thì tâm trạng lo lắng, băn khoăn “bần thần” là cái lẽ tất nhiên. Ánh mắt hoe buồn miên man nhìn những hạt nắng vàng vọt cuối thu đang rơi rơi va chạm vào nhau như những tiếng gọi thầm chơi vơi lay động lòng người thức dậy để Tiếng Thu thỏ thẻ đôi lời biệt li.
“Bần thần nhìn ánh nắng rơi!
Tiếng thu xao động chơi vơi gọi thầm.”
Hoàng hôn là lúc bin rịn giữa ngày và đêm hay đây là biểu tượng để nói về giờ phút chia li. Cuộc chia li này không thật đớn đau nhưng cũng đủ tím thuỷ chung, để khắc ghi được cái duyên nồng. Cái duyên tình nồng thắm của con người với con người hay của con người với thiên nhiên bồng bềnh, hư thực, vấn vít tơ vương.
“Hoàng hôn tím đủ duyên nồng.
Ray chiều chiếu tỏa tơ lòng vấn vương!”
Thu đến hay là thu đi thì nó là cái chuyện ở đời, là cái vô thường của càn khôn. Cái vần xoay ương bướng nó chẳng biết thương ai, ghét ai. Chẳng thương chẳng ghét mà cứ lặng lẽ như dòng sông chẳng ngừng trôi và nó cũng mang theo tất cả những chìm nổi bọt bèo. Vẫn biết đất trời là thế, cứ quay và quay mãi. Nhưng thời khắc giao mùa hay phút biệt li … chẳng ai là không ngậm ngùi. Bởi cái tình trong cõi dương gian mấy khi đồng điệu được với cái vô thường của trời đất.
Chia ly trong “Tiếng Thu” không giữ dội đớn đau mà là một sự nhẹ nhàng thân thương. Bởi chỉ là “thương MẤY là thương” chứ không phải “thương QUÁ là thương. Cái sự nhẹ nhàng nhưng lại đằm thắm với những thiết tha kỉ niệm lúc đương thì. Một “chút nắng hường heo may, hạt mưa bay” mơn man đắm say tình nồng thắm của yêu thương ngọt ngào. Và rồi lại có cả những nghiêng ngả, liêu xiêu, phơi bày rệu rã, đổ vỡ của mái ngói qua nắng gió thời gian.
“Thu đi thương mấy là thương!
Có còn nhớ chút nắng hường heo may?
Có còn nhớ hạt mưa bay
Liêu xiêu mái ngói rêu bày thời gian!”
Nhưng cái sự kì diệu của vô thường lại là sự kết tiếp nhau. Duyên tình này qua đi là cơ duyên cho cuộc tình mới vẫn trong cái không gian xưa lại nồng nàn mênh mang.
“Có còn nhớ cả không gian
Nồng nàn hoa sữa mênh mang đông về!”
Giai điệu mười câu lục bát nhẹ nhàng đung đưa, “Tiếng Thu” như những lời thủ thỉ tâm tình thời khắc sang đông hay “Tiếng Thu” là tiếng lòng. Tiếng lòng của cuộc chia li êm đềm với duyên tình đã qua để đến với tình duyên mới. Âu cũng đành là cái nghiệp của con người để đi cho trọn một kiếp con người.
Khi viết về “Tiếng Thu”, người viết bài này lại vẫn còn thắc mắc ở câu thơ thứ tư có từ “Ray” trong câu “Ray chiều chiếu toả tơ lòng vấn vương”. Cái không hiểu được cũng là tất nhiên bởi tâm hồn của giới nữ vẫn luôn luôn là khó hiểu để quyến rũ cho cái nửa bên kia phải suốt đời khổ công khám phá.
“Tiếng Thu”! Tiếng thủ thỉ của thời khắc sang đông. “Tiếng Thu”! Tiếng lòng của thân phận con người để được đi cho trọn kiếp con người!
29/10/2017
Đăng An
ảnh trên internet