TÌM HIỂU VỀ QUAN NIỆM VÀ TƯ DUY THƠ trong “SANG THU” của HỮU THỈNH

Lượt xem:


SANG THU

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Thu 1977
(Hữu Thỉnh, Từ chiến hào đến thành phố
NXB Văn học, Hà Nội, 1991)
Ngữ Văn 9 – Tập Hai

Năm 1977, khi bổi cảnh đất nước đất nước vừa trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt chống Pháp và Mĩ, chiến tranh biên giới đang có chiều hướng phức tạp, Hữu Thỉnh từ chiến hào trở về, ông đã viết bài thơ Sang Thu. Lúc ấy, tuổi của tác giả đã ở vào giai đoạn sung mãn nhất của cuộc đời.
Đọc bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh, tôi muốn tìm hiểu về quan niệm thơ và tư duy thơ của tác giả.
Quan niệm thơ là tư tưởng khởi nguồn và điều khiển mọi thao tác hoạt động tư duy và tưởng tượng của tác giả trong suốt quá trình tác giả sáng tác ra một tác phẩm thơ. Tư tưởng thơ của Hữu Thỉnh trong Sang Thu là tư tưởng của Sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc bước vào giai đoạn Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc. Là bản lĩnh của người lính đã trải qua thời gian chiến đấu ở chiến trường, nay chuyển sang thời kì cách mạng mới.

Theo Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Bá Thành, Tư duy thơ có hai hướng. Tư duy thơ hướng ngoại và tư duy thơ hướng nội.

Tư duy thơ hướng ngoại là hoạt động tư duy để nhận thức khám phá sự vận động của thế giới hiện thực bên bên ngoài một cách sinh động bằng hình tượng. Sau đó gạn lọc, lựa chọn hình tượng đã nhận thức được, rồi ngôn ngữ hoá cảm tính các hình tượng đó để tái hiện một “thế giới” mới. Thế giới của thi ca.

Hữu Thỉnh đã không sáo mòn như các thi sĩ khác khi viết về mùa thu. Tác giả đã lựa chọn biểu tượng mà mình đã tri giác được qua giác quan khứu giác và cảm giác, đó là “hương ổi với gió se”. Một biểu tượng đặc trưng nhất, gần gũi nhất và gần như duy nhất chỉ có ở làng quê Bắc Bộ Việt Nam vào tiết thu sang.
Hương ổi và gió se là động thức dẫn dắt quá trình tri giác nhận thức các đối tượng ngoài thiên nhiên từ gần (sương qua ngõ) tới xa (sông dềnh dàng); từ thấp (chim vội vã) lên cao (mây mùa hạ sang thu). Thiên nhiên rất phong phú và đa dạng. Chủ thể (tác giả) đã khéo léo sàng lọc giữ lại những biểu tượng độc đáo nhất, tiêu biểu nhất, đầy chất thơ nhất để làm nguồn tư liệu cho tư duy và tưởng tượng để xây dựng nên hình tượng khung cảnh thời khắc sang thu thật sinh động, đặc trưng và mới lạ.

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Hương ổi đậm trong gió heo may se lạnh vừa bất ngờ (bỗng), vừa mạnh (phả), vừa quyến rũ nồng say. Người bình thường, dù có vô tâm mấy cũng không thể không nhận ra, không thể không chú ý. Từ cảm thức ban đầu đã dẫn dắt sự chú ý của tác giả đến sương la đà, (chùng chình) qua ngõ. Đưa tầm “mắt” ra xa hơn nữa thấy con sông quê (được lúc dềnh dàng). Mặt sông cồng kềnh hơn, chậm chạp hơn bởi lưu lượng nước đang ở thời điểm lớn nhất. Đặc điểm của sông ngòi vùng nhiệt đới lưu lượng thay đổi theo mùa. Nước sông ngòi Bắc Bộ thường lên to vào cuối tháng sáu đầu tháng bảy âm lịch. Đấy là dấu hiệu của trời đất chuyển mình sang thu. Để hình tượng hoá được thời khắc giao mùa, Hữu Thỉnh đã khéo léo dẫn dắt tầm “mắt” từ dưới lên trên (chim vội vã) rồi lên cao hơn nữa. Khi tầm “mắt” đang trên trời cao, tác giả đã “túm lấy” đám mây làm biểu tượng cho trời, rồi hình tượng hoá cho thời khắc giao mùa thật sinh động, thật quyến rũ và còn ra chiều nửa hư nửa thực làm mê hoặc người đọc. (có đám mây mùa hạ / vắt nửa mình sang thu). Hình tượng đám mây trong Sang Thu của Hữu Thỉnh là một hình tượng tượng trưng được “chuyên chở” bằng biểu tượng một đám mây. Bởi thế người đọc đừng cố phàm tục tìm hiểu đám mây đó nó như thế nào mà dễ đi vào bế tắc mông lung.

Xin được tiếp tục tìm hiểu về tư duy thơ hướng nội.
Tư duy thơ hướng nội là sự vận động của hoạt động nhận thức về bản thân (chủ thể nhận thức) thuộc phạm trù ý thức (tư tưởng, tình cảm) đối với chủ thể hoặc đối với thế giới hiện thực. Nhận thức của tư duy hướng nội được phản ánh vào tác phẩm nghệ thuật nói chung hay thơ ca nói riêng có thể là trực tiếp bằng những biểu cảm: vui, buồn, yêu, ghét, tức giân… Hoặc phản ánh gián tiếp qua các thủ pháp nghệ thuật nhân hoá, ẩn dụ … vào các vật, sự vật, hiện tượng ngoài hiện thực.
Trong bối cảnh đất nước còn bao bộn bề công việc. Khắc phục hậu quả chiến tranh. Xây dựng đất nước và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Với bản lĩnh của người lính đang tràn đầy nhiệt huyết và sinh lực, Hữu Thỉnh đã ý thức được sứ mệnh của cả dân tộc và trách nhiệm của mỗi con người trong sự nghiệp cách mạng chuyển sang giai đoạn mới. Ý thức tư tưởng đó, được tác giả ẩn dụ vào nắng, vào mưa, vào sấm và vào hàng cây đứng tuổi.

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Nếu ở khổ thơ thứ ba biểu hiện rất rõ của sự vận động tư duy hướng nội thì hai khổ thơ đầu chủ yếu là tư duy hướng ngoại. Nhưng trong đó, vẫn phảng phất một sự vận động tư duy hướng nội. Đó là tác giả nhận thức được sự cần thiết của cả dân tộc phải vận động chuyển mình, người cách mạng cũng phải vận động chuyển hướng tư duy đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời đại cách mạng mới.

Bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh đã bảo đảm được sự quân bình giữa tư duy hướng nội và tư duy hướng ngoại. Hình tượng mùa thu trong thơ đặc trưng, độc đáo và mới lạ.

Bài thơ theo thể thơ năm chữ, dài mười hai câu được chia đều thành ba khổ. Luật bằng trắc trong từng khổ thơ khác nhau, bắt vần trong các câu thơ chưa thật thông vận. Hình tượng chim vội vã nếu xét về tư duy hướng ngoại thì thật khiên cưỡng. Nếu xét về hướng nội thì giường như nó lại biểu hiện về sự hoạt động có phần chủ quan và nóng vội. Đây có thể là những hạn chế còn tồn tại trong bài thơ.

Đăk Lăk, tháng 10 năm 2017
Đăng An
Ảnh: Phan Chi