Tìm hiểu thêm về phong cách nghệ thuật tạo hình và biểu hiện trong bài thơ Qua đèo Ngang của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan

Lượt xem:


Tìm hiểu thêm về phong cách nghệ thuật tạo hình và biểu hiện trong bài thơ Qua đèo Ngang của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan

ba_huyen_thanh_quan.jpg

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ* mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.


Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh (1805-1848); quê ở làng Nghi Tàm, ven Hồ Tây, kinh thành Thăng Long. Bà xuất thân trong một gia đình quan lại, có nhan sắc, có học, có tài thơ Nôm, giỏi nữ công gia chánh – bà được vua Minh Mạng vời vào kinh đô Phú Xuân làm nữ quan “Cung trung giáo tập”.
Bà Huyện Thanh Quan đã để lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm thơ có giá trị nghệ thuật cao, đại diện cho một tư tưởng thi ca thời cận đại. Trong số đó, có thế nói bài thơ “Qua đèo ngang” là một bài thơ tiêu biểu nhất trong áng thi ca của bà.


“Qua đèo Ngang” là một bài thơ đường luật nổi tiếng nên đã được rất nhiều người bình luận và đã được đăng tải trên nhiều sách báo. Vì thế trong bài viết này, tôi không đi sâu đề cập đến những vấn đề về hình thức, nội dung và nghệ thuật mà các sách báo đã đăng. Tôi chỉ muốn tìm hiểu thêm về phong cách nghệ thuật tạo hình và biểu hiện trong bài“Qua Đèo Ngang” của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan.
Đèo Ngang “Hoành Sơn” là một con đèo có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ thật đẹp. Nơi đây đã làm xúc động lòng người, gợi cảm hứng sáng tác cho nhiều thi sĩ. Bà Huyện Thanh Quan cũng vậy, với “Qua đèo Ngang” tác giả đã miêu tả cảnh đèoNgang trong buổi chiều tà.


“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà”.


Được thưởng ngoạn chiều hoàng hôn trong cảnh thiên nhiên còn hoang sơ như đèo Ngang thì còn gì đẹp hơn. Cảm thụ trước cảnh đẹp thiên nhiên, bằng chất liệu ngôn từ, tác giả đã miêu tả phong cảnh đèo Ngang như vẽ nên một bức tranh thủy mặc sơn thủy hữu tình. Bức tranh lại thật sinh động hơn khi được điểm xuyết thêm những nét chấm phá miêu tả cuộc sống của con người.
Xây dựng một bức tranh thiên nhiên thật đẹp thì cảm nghĩ hay nói đúng hơn là tư tưởng tình cảm của tác giả đối với giang sơn đất nước đối với con người thì như thế nào?


“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.”


Bằng lối chơi chữ tài tình, tác giả lại thổ lộ tâm trang của mình nỗi đau về đất nước giang sơn, lòng xót thương cho những thân phận con người và một nỗi buồn mênh mông, một sự cô đơn khép kín bất lực của bản thân giữa đất trời sông núi bao la.
Tại sao lại có sự mâu thuẫn giữa cảnh và tình như vậy? Và để cho hợp với cảnh và tình một số bài phân tích đã lí giải là tác giả miêu tả cảnh đèo Ngang trong ánh chiều tà hoàng hôn. Mà cảnh hoàng hôn thường gợi trong lòng người một sự bịn rịn một nỗi buồn mênh mang, một sự hối hả gấp gáp. Sự phân tích lí giải như thế tôi thấy có phần đúng nhưng chưa thật đủ.
Đến cả tên bài thơ “Qua Đèo Ngang” đã gợi cho tôi một sự phải chú ý. Theo một số bài phân tích mà tôi đã đọc và cả hình ảnh, sự việc diễn ra trong bài thơ mà tác giả đã đã miêu tả thì theo tôi nghĩ phải lấy cái tên là “Lên đèo Ngang” hoặc là “Trên đỉnh đèo Ngang”. Nhưng ở đây, tại sao tác giả lại đặt tên cho bài thơ là: Qua đèo Ngang? 


Qua đèo Ngang. Đấy là sự vượt qua một chặng đường khó khăn của một cuộc hành trình từ Thăng Long vào kinh thành Huế. Đến cả như ngày nay, con người đã có các phương tiện giao thông hiện đại nhưng trước khi qua đèo cùng phải dừng lại để kiểm tra an toàn kĩ thuật phương tiện, để nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe và cả việc cầu nguyện để lấy lại tinh thần trước khi vượt đèo. Và qua đèo Ngang ở đây, phải chăng tác giả còn ẩn dụ một chặng đường gian nan của lịch sử dân tộc. Chỉ có mấy thập niên thôi, thế mà giang sơn dân tộc đã trải qua bao biến cố lịch sử: 


Sự mục ruỗng của triều đình nhà Lê cuối thời Lê Trung Hưng trong chế độ lộng quyền Trịnh Nguyễn phân tranh. Chiến công oai hùng của vua Quang Trung nhưng chiến tranh vừa đi qua, đất nước chưa được khôi phục thì vua Quang Trung đã băng hà, Nhà Tây Sơn rơi vào thảm cảnh, đất nước tang thương. Triều đình Nhà Nguyễn mới hình thành còn đang giai đoạn khôi phục để trị vì đất nước. Giai đoạn lịch sử nước ta từ cuối thời Lê Trung Hưng đến đầu thời Nguyễn là giai đoạn oai hùng nhưng lại nhiều bi thương tổn thất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây cũng là giai đoạn chuyển kinh đô từ kinh thành Thăng Long vào kinh thành Huế.


Cuộc hành trình từ Thăng Long vào kinh thành Huế, đến chặng đường khó khăn nhất là phải vượt qua đèo Ngang. Trời đã chiều rồi mà sao đoàn lữ hành không dừng lại nghỉ lấy sức khỏe chờ sáng sớm mai mới khởi hành?… Trong sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ thường sử dụng những sự vật hiện tượng cụ thể để xây dựng hình tượng nghệ thuật, qua hình tượng nghệ thuật mà phản ánh thực tại. Bước tới đèo Ngang bóng xế tà. Tới chặng đường khó khăn nhất lại đúng vào thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm. Sinh khí của cuộc sống ban ngày ít ỏi, mọi vật thường hối hả hơn, gấp gáp hơn để tạm sắp xếp lại các hoạt động của ban ngay, mau chóng tìm về chốn nghỉ ngơi. Đúng thời khắc ấy cả đoàn mới bắt đầu “Bước tới đèo ngang” thì gánh nặng lại càng nặng hơn, khó khăn lại chồng chất khó khăn. “Cỏ cây chen đá lá chen hoa”. Ở câu thơ này có hai cặp từ chỉ hình ảnh tương phản nhau: cỏ cây, đá; lá, hoa. Mỗi cặp từ chỉ hình ảnh lại đặt xen vào giữa một từ chỉ hoạt động “chen”. Với thủ pháp nghệ thuật sắp xếp xen kẽ, tác giả đã miêu tả thật sinh động đời sống của cỏ cây phải vật lộn với điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt để sinh tồn: “cỏ cây phải chen đá”. Hoa là bộ phận của cây để duy trì nòi giống, về bản năng sinh tồn của thực vật, hoa phải phô ra khoe sắc để dễ dàng được thụ phấn, để rồi hoa được đậu trái, kết hạt. Trong nghệ thuật tạo hình, thông thường, lá là phần nền để tôn lên vẻ đẹp của hoa. Vì vậy đáng lẽ ra hoa phải chiếm phần ưu thế về không gian hơn lá để được nổi trội. Nhưng ở đây, tác giả lại sắp xếp để cho “lá chen hoa”. Sự sắp xếp chất liệu tương phản cả sự vật lẫn hoạt động, tác giả đã dùng thủ pháp ẩn dụ tu từ để phản ánh sâu sắc cuộc sống vật lộn bon chen để tồn tại. Vì cuộc sống bon chen xô bồ mà đã làm giảm đi một phần cái đẹp. Trong hoàn cảnh như trên thì thân phận và cuộc sống của con người cụ thể thì sao? “Lom khom dưới núi tiều vài chú; lác đác bên sông rợ mấy nhà”. Hoàn cảnh xã hội còn nhiều vật lộn, bon chen, xô bồ; cuộc sống cực khổ nghèo nàn của người dân nhưng đã được nhà thơ miêu tả rất nhẹ nhàng ẩn dụ nhưng lại làm nao lòng người đọc. 


Trước cảnh đất nước còn bề bộn, con người khi vừa trải qua những cuộc tang thương và còn nghèo khổ, nhà thơ thấy đau lòng lắm. Muốn thốt ra những tiếng khóc than như tiếng kêu rũ rượi của con cuốc cuốc, và con đa đa. Sự chơi chữ khéo léo tài tình đã làm thức lại các điển tích trong dân gian và cũng vừa mượn điển tích đấy để trải lòng mình. “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc; thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Chứng kiến tình cảnh đất nước, rồi khóc than đồng cảm với nỗi bi thương của con người và với một tầm nhìn bao quát thấu suốt “dừng chân đứng lại trời, non, nước”, một người yêu nước thương dân như Bà Huyện Thanh Quan rất khát khao mong muốn được đóng góp sức mình để tái thiết xây dựng đất nước, thay đổi cuộc sống của dân chúng để mọi người bớt khổ, được hưởng lạc thanh bình. Nhưng khốn nỗi thay, một tâm trạng hoài cổ mà sự huy hoàng thịnh vượng của nghiệp tổ nhà Lê không còn, uy quyền gia tộc cũng không mạnh, bản thân kẻ sĩ chỉ là một phận nữ nhỏ nhoi làm sao gánh vác nổi sơn hà. Không làm được gì thì thôi đành khép lại lòng mình trong nỗi cô đơn đượm buồn mênh mông khi nhiệt huyết tuổi thanh xuân đã hết và cuộc đời đang bước tới buổi chiều tà: “một mảnh tình riêng ta với ta”.

Bài thơ “Qua đèo Ngang” của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan, về hình thức, đây là một bức tranh thủy mặc miêu tả một phong cảnh sơn thủy hữu tình thật đẹp và sinh động. Bên cạnh đó “Qua đèo Ngang” còn thể hiện một tầm nhìn sâu rộng, bao quát; một tấm lòng yêu nước thương dân và một tâm hồn sâu lắng ẩn chứa tâm trạng cô đơn đượm buồn mênh mông trước tình cảnh đất nước. Về nội dung, bài thơ “Qua đèo Ngang” đã đánh dấu một giai đoạn lịch sử của đất nước con người Việt Nam đau thương bi tráng. Bài thơ có thể còn là một sự hồi tưởng về cuộc đời tác giả đã qua. Qua bài thơ chúng ta còn thấy rằng: nữ sĩ có một tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu con người thiết tha, một tình yêu của bậc trí thức trong tình cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, bộn bề. Nếu hình thức của bài thơ là sự hiển hiện của một bức tranh một tâm trạng con người thì nội dung lại chứa đựng cả một sự ẩn dụ sâu lắng và mênh mông. Cả hình thức và nội dung của bài thơ đan xen hòa quyện với nhau trong một kết cấu logic, một chỉnh thể thống nhất chặt chẽ, vừa mang tính nghệ thuật cao vừa phản ánh chân thực một chặng đường lịch sử dân tộc và lịch sử văn học nước nhà.


Ngôn ngữ hình tượng thì đa nghĩa, cảm nhận một tác phẩm nghệ thuật cũng như cảm nhận một tác phẩm thi ca mỗi người mỗi khác. Bài viết này, tôi cũng chỉ muốn khám phá và tìm hiểu thêm những cái hay, những nét đẹp của bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.

24/6/2014
Đăng An

* Có bản ghi là “chợ”